|
Huyện Vũng Liêm thực hiện cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh, biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp của huyện nhất là trong những năm gần đây độ mặn xuất hiện sớm và tăng dần qua các năm (năm 2016 độ mặn 9,6‰, đến tháng 12 năm 2019 độ mặn xâm nhập tăng lên 10,2‰). Tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi diễn biến khá phức tạp gây khó khăn cho ngành nông nghiệp và hộ nông dân trong sản xuất và sinh hoạt.
Nhưng với sự tập trung chỉ đạo của Huyện ủy-UBND huyện cùng với nổ lực của ngành nông nghiệp và người dân khắc phục mọi khó khăn nhất là khâu chọn giống, bố trí lịch thời vụ sản xuất cho cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của địa phương cũng như biện pháp canh tác tốt để đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Thành tựu đạt được ghi nhận qua 6 năm thực hiện cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp điển hình như: Cây lúa chuyển đổi theo hướng giảm dần diện tích trồng lúa kém hiệu quả để trồng rau màu và cây ăn trái, hình thành vùng sản lúa chất lượng cao diện tích 5.000 ha (diện tích gieo trồng lúa từ 40.700 ha năm 2015 giảm còn 35.150 ha năm 2020) . Đặc biệt đã xây dựng được mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ diện tích 200 ha ở Trung Ngãi và Hiếu Thuận. Cây màu phát triển khá từ 2.790 ha (năm 2015) tăng lên 3.900 ha (năm 2020), bước đầu đã phát triển được vùng sản xuất rau màu tập trung như Trung Thành Đông, Trung Thành Tây, Trung Chánh, Quới An. . . Cây ăn trái tập trung chuyển đổi vườn kém hiệu quả thành vườn cây ăn trái có hiệu quả 9.500 ha, có hơn 80% diện tích vườn cho hiệu quả kinh tế khá cao. Hàng năm kết hợp với Sở nông nghiệp &PTNT Vĩnh Long và tập đoàn Lộc Trời chi nhánh Vĩnh Long , các Viện, Trường Đại học thực hiện các dự án hỗ trợ nông dân về giống và kỹ thuật canh tác mới. Đến nay đã cơ bản hình thành được vùng chuyên canh cây ăn khoảng 5.500ha như bưởi da xanh, sầu riêng, xoài, cam sành, tập trung ở các xã Thanh Bình, Quới Thiện, Trung Chánh, Trung Hiệp, Hiếu Nghĩa, Hiếu Thành, Qưới An. Hỗ trợ nông dân áp dụng quy trình canh tác theo hướng VietGAP có giấy chứng nhận VietGAP khoảng 300ha, góp phần đưa trái cây của huyện nhà tiêu thụ khá ổn định, giá cả không còn bấp bênh như trước đã xuất khẩu sang một số nước như Mỹ, Nhật, Trung Quốc. . . Chăn nuôi và thủy sản cũng được tập trung chuyển đổi, mạnh nhất là phát triển đàn bò từ 27.090 con (năm 2015) tăng lên 31.103 con (năm 2020); Đàn gia cầm phát triển mạnh nhất là nuôi gà thả vườn theo hình thức bán công nghiệp cho hiệu quả kinh tế khá cao, địa phương phát triển mạnh nhất là xã Trung Hiệp, Hiếu Phụng, Trung Chánh. . .bên cạnh đó người dân tận dụng mặt nước để nuôi thủy sản có giá trị kinh tế cao, nổi bật nhất là mô hình nuôi cá lóc xã Trung Nghĩa đã hình thành khu nuôi tập trung khoảng 18 hộ, diện tích mặt nước gần 5ha, cho hiệu quả kinh tế khá cao; mô hình nuôi lươn trên bể lót bạt cũng được nông dân chú trọng tuy diện tích nhỏ nhưng hiệu quả kinh tế rất cao, bình quân thả nuôi 8.000 con lươn giống (chiều dài lươn giống là 15cm) sau 10 tháng nuôi lợi nhuận trên 40 triệu đồng, hiện nay huyện Vũng Liêm có khoảng 30 hộ nuôi. Có được thành công bước đầu trong thực hiện cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp của huyện nhờ công tác lãnh chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự điều hành sát thực của chính quyền trong thực hiện các nhiệm vụ để hỗ trợ cho phát triển sản xuất nông nghiệp như: Bố trí lịch thời vụ sản xuất phù hợp với hạn và xâm nhập mặn, xây dựng tương đối hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi (97,8% diện tích đất nông nghiệp của huyện được khép kín thủy lợi), công tác giống và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật huyện chú trọng chuyển giao cho nông dân các năm qua đã đầu tư nhân giống lúa khoảng 1.000ha, giống cây ăn trái 564 ha gồm bưởi da xanh, sầu riêng để cung cấp nguồn giống cho nông dân sản xuất phù hợp với biến đổi khí hậu của địa phương. Kinh tế tập thể cũng được quan tâm thực hiện, bước đầu đã vận động thành lập được 51 tổ hợp tác và 15 hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp, lợi nhuận bình quân của 01 HTX đạt khoảng 135 triệu đồng/năm. Điển hình HTX dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả khá cao. Sản phẩm chủ yếu của HTX là gạo được sản xuất theo hướng hữu cơ rất có uy tín trên thị trường, sản phẩm làm ra được nhiều công ty trong nước ký hợp đồng tiêu thụ hết với giá khá cao. Với thành tựu đã đạt được trong 6 năm thực hiện cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, đã nâng giá trị sản xuất trên một 1 ha đất nông nghiệp từ 145 triệu đồng (năm 2015) lên 171 triệu đồng năm 2020, góp phần cho kinh tế huyện nhà phát triển ngày càng ổn định. Văn Nhu ( Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vũng Liêm-ĐT 0989799415) |