Huyện Vũng Liêm – tỉnh Vĩnh Long: Nâng cao chất lượng trái cây, tạo mã số vùng trồng đẩy mạnh xuất khẩu
Huyện Vũng Liêm nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Vĩnh Long, có điều kiện thuận lợi và nhiều tiềm năng để phát triển cây ăn quả. Huyện đã đẩy mạnh nhiều mô hình chuyên canh các cây chủ lực và tiềm năng theo hướng VietGAP như bưởi da xanh, cam sành, xoài cát núm, sầu riêng… Trong thời gian tới, huyện tiếp tục nâng cao chất lượng, giá trị các đặc sản của địa phương, tạo mã số vùng trồng đẩy mạnh xuất khẩu.
Huyện Vũng Liêm có diện tích tự nhiên trên 309,60 km2, lớn nhất tỉnh Vĩnh Long, dân số toàn huyện khoảng 150 nghìn người. Huyện Vũng Liêm nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Vĩnh Long, có điều kiện thuận lợi và nhiều tiềm năng để phát triển cây ăn quả nói riêng và kinh tế – xã hội nói chung. Với đường giao thương thuận tiện là cầu Cổ Chiên, Mỹ Thuận, Cần Thơ, Hàm Luông và cầu Rạch Miễu giúp huyện kết nối thuận lợi với các trung tâm kinh tế ven biển khu vực kinh tế phía Nam. Bên cạnh đó, 2 tuyến đường thủy quan trọng đảm bảo cho tàu có trọng tải lớn lưu thông là sông Cổ Chiên và Măng Thít.
Huyện Vũng Liêm đã đẩy mạnh xây dựng mô hình chuyên canh các cây chủ lực và tiềm năng theo hướng VietGAP như bưởi da xanh, cam sành, xoài cát núm, sầu riêng… ở các xã Thanh Bình, Quới Thiện và các xã ven sông Cổ Chiên, Măng Thít. Trong đó, huyện chỉ đạo sử dụng giống mới có năng suất và chất lượng cao, sạch bệnh, khuyến khích nông dân tập trung phát triển một số cây trồng chủ lực và có nhiều thị trường tiêu thụ hơn.
Đẩy mạnh mô hình chuyên canh các cây chủ lực tiềm năng của huyện Vũng Liêm hướng tới xuất khẩu
Bưởi da xanh: Đặc sản này được trồng khá phổ biến ở nhiều địa phương trong tỉnh Vĩnh Long, trong đó huyện Vũng Liêm là nơi phát triển diện tích bưởi da xanh nhiều nhất, tập trung nhiều ở địa bàn các xã cù lao và các xã ven sông Cửu Chiên của huyện. Theo thống kê, Hợp tác xã bưởi da xanh Vũng Liêm hiện có khoảng 18,5 ha bưởi da xanh, sản lượng trung bình đạt 370 tấn/năm và được sản xuất rải vụ nhằm đáp ứng được nhu cầu cung cấp cho thị trường.
Sầu riêng: Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, toàn tỉnh Vĩnh Long có khoảng 4.000 ha diện tích trồng sầu riêng, trong đó có khoảng 3.900 ha sầu riêng đang cho trái, bắt đầu vào vụ thu hoạch. Thời gian thu hoạch sầu riêng thường vào khoảng tháng 5 – 6 hàng năm, năm nay giá sầu riêng tăng là do đã xuất khẩu chính ngạch thuận lợi hơn. Sầu riêng được trồng tập trung nhiều tại cù lao Dài huyện Vũng Liêm, các nhà vườn đã chủ động thực hiện tốt biện pháp ứng phó tình trạng xâm nhập mặn nhằm bảo vệ vườn sầu riêng để cho năng suất cao.
Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã phối hợp cùng các ngành chức năng có liên quan xúc tiến các thủ tục cần thiết lập hồ sơ để được cấp mã số cơ sở đóng gói, mã số vùng trồng xuất khẩu chính ngạch trái cây sang thị trường Trung Quốc cũng như một số nước khác. Theo thống kê, tính đến tháng 3/2024, riêng mặt hàng sầu riêng toàn tỉnh Vĩnh Long có 20 mã số vùng trồng xuất khẩu với diện tích trên 500 ha và 17 mã số vùng trồng nội địa với diện tích gần 300 ha.
Hình ảnh trái sầu riêng nghịch vụ tại ấp Bình Lương, xã Quới Thiện, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long.
Đáng chú ý, tại huyện Vũng Liêm, mô hình trồng sầu riêng cho trái nghịch vụ của hộ dân Đoàn Văn Phúc, ấp Bình Lương, xã Quới Thiện đã mang lại hiệu quả cao. Hộ dân Đoàn Văn Phúc đã xử lý sầu riêng ra hoa nghịch vụ thành công và bán sầu riêng được giá cao. Do đó, mô hình trồng sầu riêng cho trái nghịch vụ có hiệu quả đã lan rộng ra nhiều hộ dân tới học hỏi, trao đổi kinh nghiệm.
Thời gian qua, Hội Nông dân xã Quới Thiện đã thực hiện nhiều biện pháp tích cực để hỗ trợ nông dân trong sản xuất, kinh doanh như mở lớp tập huấn về chăm sóc sâu bệnh trên cây trồng, các biện pháp phòng chống xâm nhập mặn, tập huấn về cây ăn trái đặc biệt là trồng sầu riêng xử lý ra hoa nghịch vụ.
Xoài cát núm: Là một trong những đặc sản của huyện Vũng Liêm, kể từ khi đạt giải Nhì Hội thi trái ngon tỉnh Vĩnh Long năm 2022, xoài cát núm đã được biết đến nhiều hơn. Xoài cát núm có đặc điểm là quả thon dài, hạt mỏng và ít xơ, khi quả chưa chín thì bên ngoài có màu xanh, khi chín vỏ vàng chanh và thịt ngọt thanh. Vì vậy, giống xoài này được ưa chuộng tại nhiều tỉnh, thành phố như Bạc Liêu, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội và đã xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc. Xoài cát núm Vũng Liêm trở thành loại quả đặc sản của người dân Vĩnh Long, góp phần đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân cũng như phát triển loại hình du lịch nông nghiệp.
Định hướng phát triển trái cây của huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long trong thời gian tới
Uỷ ban nhân dân huyện Vũng Liêm tiếp tục mở rộng diện tích trồng xoài cát núm VietGAP tại 2 xã Quới An và Trung Chánh, xoài cát chu ở xã Quới Thiện gắn với việc kết nối, liên kết tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Bên cạnh đó, huyện còn kết hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện dự án “Xây dựng vùng sản xuất cây ăn trái quy mô lớn theo hướng GAP, gắn với nhãn hiệu hàng hóa và tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021- 2025” trên 10 ha sầu riêng ở xã Thanh Bình, 10 ha bưởi da xanh, 12,2 ha xoài ở xã Quới Thiện và dự án hỗ trợ cây giống cam sành 32 ha tại xã Hiếu Thành. Đồng thời kết hợp với Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời chi nhánh Vĩnh Long thực hiện chuỗi giá trị trên 41,45 ha trồng bưởi da xanh tại 2 xã Thanh Bình, Quới Thiện.
Năm 2024, Uỷ ban nhân dân huyện Vũng Liêm đã ban hành trên cơ sở kế hoạch xây dựng mã số vùng trồng đã và đang triển khai rà soát, thống kê diện tích bưởi, dừa để hướng dẫn các xã, thị trấn thực hiện bộ hồ sơ đề nghị cấp mã số vùng trồng, chứng nhận hữu cơ phục vụ chế biến và xuất khẩu. Đồng thời, huyện tiếp tục xây dựng mã số vùng trồng đối với các loại cây trồng chủ lực và tiềm năng của huyện như xoài cát núm, bưởi da xanh, cam sành… nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các sản phẩm nông nghiệp này đủ tiêu chuẩn, điều kiện đáp ứng cho xuất khẩu.
Trong thời gian tới, Uỷ ban nhân dân huyện Vũng Liêm sẽ tập trung chú trọng phát triển loại hình du lịch văn hóa gắn với danh nhân kết hợp với du lịch sinh thái miệt vườn. Đồng thời, Uỷ ban nhân dân huyện cũng gắn với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, tạo ra những sản phẩm du lịch đặc thù của Vũng Liêm để tạo sự khác biệt, hấp dẫn du khách, đặc biệt chú trọng lợi ích của người dân địa phương và chú trọng bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững.
(Nguồn: https://sanphamvungmien.vn/)