Huyện Vũng liêm với diện tích sản xuất cây ăn trái khoảng 5.444ha .Sản lượng 8.166 tấn/ha/năm.Trong những năm gần đây chủ trương của tỉnh, huyện là phát triển cây ăn trái theo hướng VietGAP để đưa những sản phẩm cây ăn trái chủ lực vươn ra thế giới nhằm gia tăng hiệu quả kinh tế cho nông dân. Năm 2015 được sự đầu tư kinh phí của tỉnh thông qua dự án “Xây dựng vùng sản xuất cây ăn trái quy mô lớn theo hướng Gap, gắn với nhãn hiệu hàng hóa và tiêu thụ nông sản”. Đã xây dựng được các mô hình và chứng nhận VietGAP cho sản phẩm xoài cát núm 86,9ha, bưởi da xanh 79,2 ha, sầu riêng 25,3 ha. Sau khi đạt chứng nhận VietGAP hiệu quả mô hình có sự chuyển biến tích cực về mặt xã hội và kinh tế như: nông dân biết ghi chép nhật ký sản xuất, kỹ thuật canh tác nâng lên, người dân có ý thức bảo vệ môi trường, xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh nông sản.Từ đó sản phẩm bán ra giá cao hơn ngoài mô hình, có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến thu mua.
Bên cạnh những mặt tích cực nói trên thì việc nhân rộng còn gặp nhiều khó khăn như: -Mô hình còn rất mới lạ với người dân địa phương nên vẫn còn một số hộ chưa nghiêm túc thực hiện đúng quy trình. -Số lượng và chất lượng sản phẩm còn hạn chế, kích cở chưa đồng đều từ đó ảnh hưởng đến việc thu mua của các Doanh nghiệp. Phần lớn sản phẩm được thu mua qua các dựa trái cây trung gian, giá cả không ổn định. -Các HTX, THT cây ăn trái (xoài, cam sành, bưởi da xanh, sầu riêng) được tỉnh huyện đầu tư kinh phí thành lập HTX,THT nhưng hiệu quả hoạt động chưa cao nên chưa thuyết phục được các thành viên tham gia trong khâu tổ chức sản xuất, liên kết tiêu thụ, đầu tư tái chứng nhận VietGAP. -Nông sản sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP chưa được phổ biến rộng rãi, thường xuyên nên người tiêu dùng còn nghi ngại, chưa tin tưởng. Tâm lý của người sản xuất vẫn còn phương thức lựa chọn sản xuất theo kinh nghiệm và để bảo vệ lợi ích của mình người sản xuất chưa thực hiện hết trách nhiệm là sản xuất đúng theo quy trình VietGAP.
Để các mô hình đạt tiêu chuẩn VietGAP được duy trì và nhân rộng cần áp dụng một số giải pháp đồng bộ như sau: -Cây ăn trái được xác định là thế mạnh nông nghiệp của Tỉnh, huyện vì vậy tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân sản xuất theo đúng quy trình VietGAP mà cán bộ kỹ thuật hướng dẫn. – Bên cạnh đó cần tuyên truyền cho người tiêu dùng nâng cao nhận thức đánh giá đúng về sản phẩm VietGAP thông qua các kênh thông tin (báo, đài), tổ chức hội chợ có các gian hàng bán các sản phẩm nông sản an toàn, nông sản đạt tiêu chuẩn VietGAP để tạo điều kiện cho mô hình phát triển. Công tác quy hoạch vùng sản xuất cây ăn trái theo VietGAP phải chặt chẽ hơn về pháp lý, thị trường tiêu thụ phải được ổn định, đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho mô hình sản xuất cây ăn trái phải được đáp ứng theo yêu cầu như giao thông, đầu mối thu mua, cơ sở chế biến, bảo quản, điểm du lịch sinh thái… -Nhà nước cần có chính sách đủ mạnh để khuyến khích các tổ chức cá nhân đầu tư cho sản xuất VietGAP. -Cũng cố xây dựng HTX, THT sản xuất trái cây đạt VietGAP ngày càng lớn mạnh, vững vàng trong công tác quản lý, tổ chức sản xuất, quảng bá đến tiếp thị sản phẩm. -Liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp trong thực hiện “chuỗi giá trị sản phẩm” trợ lực cho nông dân tái chứng nhận VietGAP khi nông dân tham gia và mở rộng sản xuất theo Gap. – Phối hợp chặt chẽ với ngành du lịch sinh thái để giới thiệu trái cây của tỉnh; đặc biệt đối với vườn sản xuất trái xoài, bưởi, sầu riêng theo VietGAP để quảng bá hình ảnh trái cây an toàn.Việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm tốt và tuyên truyền rộng rãi giúp nông dân có thể dễ dàng tiêu thụ sản phẩm ổn định. -Sau khi kết thúc, mô hình VietGAP cần được tiếp tục hỗ trợ về kỹ thuật để nông dân nắm vững hơn và thực hiện sản xuất đúng quy trình mới đảm bảo sản phẩm an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc rõ ràng . Có như vậy, người tiêu dùng mới tin đâu là sản phẩm an toàn, đâu là sản phẩm không an toàn thì việc sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn mới thật sự có chỗ đứng trên thị trường.
Sản xuất theo quy trình VietGAP đang là hướng đi tất yếu, phát triển bền vững nhằm giúp nông hộ tiếp cận với phương thức canh tác mới, nâng cao giá trị nông sản,chất lượng nông sản tiến tới an toàn cho sức khỏe cho người tiêu dùng. Tin rằng, nếu sản phẩm mô hình ổn định đầu ra, sẽ có nhiều hộ tự nguyện làm theo đúng quy trình sản xuất đáp ứng được yêu cầu thị trường, tăng hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp. Vì vậy chính quyền địa phương, ngành chức năng và người dân cần có sự phối hợp chặt chẽ. Nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ để duy trì, mở rộng phát triển mô hình./.
LÊ DUNG- TRẠM TRỒNG TRỌT VÀ BVTV VŨNG LIÊM |