TÀI LIỆU TẬP HUẤN KỸ THUẬT CHĂN NUÔI GÀ THẢ VƯỜN THEO HƯỚNG AN TOÀN SINH HỌC
LỜI MỞ ĐẦU:
Chăn nuôi gà là nghề sản xuất truyền thống lâu đời và chiếm vị trí quan trọng thứ hai (sau chăn nuôi heo) trong toàn ngành chăn nuôi của Việt Nam. Hàng năm, cung cấp khoảng 350-450 ngàn tấn thịt và hơn 2,5-3,5 tỷ quả trứng. Tuy nhiên, chăn nuôi gà của nước ta vẫn trong tình trạng sản xuất nhỏ, phân tán, lạc hậu, năng suất thấp, dịch bệnh nhiều, sản phẩm hàng hoá còn nhỏ bé. Bình quân sản lượng thịt xẻ, trứng/người chỉ đạt 4,5-5,4kg/người/năm và 35 trứng/người/năm. Sản xuất chưa tương ứng với tiềm năng, sản phẩm chưa đáp ứng đủ nhu cầu xã hội. Một lượng sản phẩm chăn nuôi gà nhập khẩu từ nước ngoài vào rất lớn dù thuế suất cao nhưng các sản phẩm nhập khẩu vẫn từng bước chiếm lĩnh một phần thị trường Việt Nam. Như vậy, chăn nuôi gà còn thị trường rộng lớn ở trong nước trong nhiều năm tới mà chúng ta cần chủ động chiếm lĩnh, nhất là hiện nay Việt Nam đã gia nhập tổ chức WTO.
Để giúp người chăn nuôi gà đạt hiệu quả cao, TTKN Vĩnh Long ban hành tài liệu chăn nuôi gà thả vườn giúp các hộ nuôi có thêm kỹ thuật trong chăn nuôi.
I. AN TOÀN SINH HỌC TRONG CHĂN NUÔI:
1.1. Khái niệm: Chăn nuôi an toàn sinh học là việc áp dụng tổng hợp và đồng bộ các biện pháp kỹ thuật và quản lý nhằm ngăn ngừa sự tiếp xúc giữa vật nuôi và mầm bệnh nhằm bảo đảm cho đàn vật nuôi được hoàn toàn khỏe mạnh và không bị dịch bệnh.
1.2. Mục tiêu:
– Ngăn cản sự xâm nhập của mầm bệnh từ bên ngoài trại vào trong trại.
– Không để mầm bệnh lây lan giữa các khu vực trong trại.
– Không để vật nuôi trong trại phát bệnh.
– Ngăn cản sự lây lan mầm bệnh từ trong trại (nếu có) ra ngoài trại.
1.3. Các nguyên tắc trong chăn nuôi an toàn sinh học:
– Vị trí xây dựng trại:
+ Nên xây dựng trại ở một nơi xa khu dân cư, bệnh viện, trường học, chợ, đường giao thông, từ 500m trở lên, càng xa càng tốt.
+ Tránh xây trại ở những nơi gần sông, suối, kênh, mương, hồ nước tự nhiên và những nơi có nhiều thú hoang, chim hoang sinh sống hoặc lui tới hoặc nơi chăn thả gia súc, gia cầm khác.
– Qui hoạch của khu trại:
+ Nhìn từ ngoài vào trong, khu trại nên được bố trí như sau:
Hàng rào ranh giới trại – vùng đệm – hàng rào bên trong – vùng chăn nuôi – các khu chăn nuôi/ kho thức ăn/ kho vật tư/ kho dụng cụ/ phòng thí nghiệm – các dãy chuồng.
– Tại cổng trại (nằm trên ranh giới trại) có hệ thống bơm và vòi nước áp lực để rửa các loại phương tiện, tiếp đến là hố sát trùng để sát trùng ủng và bánh xe, rồi đến nhà thay quần áo (trong đó có phòng tắm và các hố sát trùng).
– Đầu mỗi khu vực chăn nuôi và đầu mỗi dãy chuồng có vòi nước để rửa ủng và có hố sát trùng.
– Trại phải có khu hành chính riêng biệt được bố trí trên vùng đệm.
– Các kho chứa phải bố trí riêng biệt cho từng nhóm:
+ Thức ăn, nguyên liệu thức ăn.
+ Dụng cụ chăn nuôi.
+ Hóa chất sát trùng độc hại.
– Xung quanh mỗi dãy chuồng phải có rãnh thoát nước thải, cuối dãy hoặc cuối mỗi khu vực chăn nuôi phải có hố ga (để xử lý trong trường hợp cần thiết) trước khi ra đường thoát chung của trại.
– Có khu nuôi cách ly đàn vật nuôi mới nhập.
– Có khu vực để xử lý, tiêu hủy vật nuôi ốm, chết.
– Có khu vực để xử lý phân, rác và nước thải.
1.4. Các biện pháp an toàn sinh học:
1.4.1 Cách ly
Cách ly có nghĩa là giữ cho vật nuôi, các vật dụng, trang thiết bị chăn nuôi bị nhiễm tránh xa những vật khỏe mạnh không bị nhiễm.
Cách ly đàn vật nuôi trước hết phải có rào ngăn cách bằng nhiều hình thức để quản lý đàn vật nuôi không có cơ hội tiếp xúc với những nguồn lây lan của mầm bênh. Nếu trại chăn nuôi gần đường đi lại và có những tiếp xúc gần với người hay vật nuôi khác thì phải thiết lập vùng đệm, cách xa hàng rào bảo vệ đàn vật nuôi của trại.
Hạn chế thấp nhất khách tham quan trại. Nếu có khách tham quan thì phải có quy trình hướng dẫn khách cụ thể, hạn chế ở nức thấp nhất sự tiếp xúc và thời gian của khách với khu vực chăn nuôi. Khách tham quan cũng phải thực hiện đầy đủ những quy định cách ly, như mặc đồ bảo hộ và phải qua các hệ thống sát trùng trước khi vào trại và sau khi ra khỏi trại chăn nuôi.
Xung quanh khu vực chăn nuôi cần phát quang cây bui hay các vật dụng khác để ngăn ngừa chim và các loại chuột xâm nhập vào trại vì chúng là vật lây bệnh và gây hại cho trại. Có thể dùng lưới che chắn hay có biện pháp xua đuổi chim hoang và bẩy diệt chuột.
Sử dụng con giống trong trại phải có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh, được nhân giống phù hợp để cho năng suất như dự kiến. Không được nuôi chung nhiều loại gia súc, gia cầm trong một trại vì chúng dễ lây bênh cho nhau. Tuyệt đối không được sử dụng con giống không rõ nguồn gốc và giống phải có chứng nhận kiểm dịch của cơ quan chuyên môn.
Người chăn nuôi ra vào trại phải được kiểm soát, phải mang ủng, mặc đồ bảo hộ và phải sát trùng trước khi vào và ra khỏi trại.
Nâng cao kiến thức an toàn sinh học cho người chăn nuôi và cộng đồngtrong vùng chăn nuôi.
1.4.2 Vệ sinh làm sạch
– Vệ sinh, quét dọn hàng ngày đối với các dãy chuồng, khu vực xung quanh chuồng và các lối đi.
– Trong điều kiện không có dịch bệnh, định kỳ phun thuốc sát trùng 2 tuần 1 lần đối với toàn bộ khu trại, kể cả khu vực đệm.
– Làm sạch nước trong ống và bồn chứa nước uống rồi rửa phía ngoài bằng dung dịch xà phòng, tiếp đến cho dung dịch a-xít loãng vào bên trong ngâm trong 6 giờ, sau đó rửa đường ống 2 lần bằng nước sạch.
– Các loại thiết bị chăn nuôi như máng ăn, máng uống, cần được vệ sinh thường xuyên.
– Các loại thiết bị không chịu nước như hệ thống thông gió, chụp sưởi, … cần được hút bụi và lau chùi khô.
– Quét dọn toàn bộ phân và chất độn chuồng đưa đến khu xử lý riêng.
– Rửa chuồng và thiết bị:
+ Phải đảm bảo rằng nước thải từ quá trình rửa thiết bị được dẫn đến hố chứa, không để bị thấm, chảy ra các lối đi hay các khu vực xung quanh chuồng.
+ Cọ rửa bằng dung dịch xà phòng diệt khuẩn và để ướt vài giờ.
+ Phun nước nóng 75oC bằng máy có áp lực > 50kg/cm2 từ trần xuống tường và xuống sàn, nền.
– Sục rửa kỹ nhiều lần.
– Vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại sau mỗi đợt nuôi:
Ngay sau mỗi đợt nuôi, cần phải quét dọn, chùi rửa và sát trùng đối với
Chuồng, Khu vực xung quanh chuồng, Các khu vực phụ, Các lối đi, Khu vực đệm, Hệ thống rãnh thoát, …
1.4.3 Khử trùng
Khử trùng là bước thực hiện sau cùng. Tiến hành khử trùng toàn bộ chuồng trại sau quá trình đã được làm sạch và để khô. Để đảm bảo sát trùng hiệu quả thì tốt nhất là áp dụng nguy tác cùng vào cùng ra và không nuôi nhiều loại gia súc, gia cầm trong một trại để giảm đến mức thấp nhất nguy cơ lây lan mầm bênh. Không phun thuốc khử trùng trên những vật dụng, chất độn chuồng, phân rác mà chưa được don dẹp vệ sinh sạch sẽ, vì hiệu quả sát trùng sẽ rất thấp và không triệt để. Mặt khác, chất sát trùng lẫn trong phân rác sẽ làm cản trở quá trình lên men sinh học để tiêu diệt mầm bệnh theo phương pháp ủ phân chuồng.
Áp dụng các biện pháp khử trùng trong trại theo đúng quy trình đối với tất cả nhân viên trại, như rửa tay bằng xà phòng khử khuẩn trước và sau khi tiếp xúc với vật nuôi. Khử trùng qua hố sát trùng đặt tại nơi ra vào cổng trại và tại cửa các chuồng chăn nuôi. Tất cả những ai có nhiệm vụ vào trại và tiếp xúc với gia cầm đều phải mặc bảo hộ lao động và khử trùng qua hố sát trùng.
Như vậy để chăn nuôi phát triển cần chăn nuôi theo hướng tập trung trang trại chăn nuôi có kiểm soát theo hướng an toàn sinh học nhằm hạn chế dịch bênh xãy ra, đảm bảo vệ sinh môi trường, gớp phần cung cấp sản phẩm sạch cho người tiêu dùng, đem lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi, gớp phần phát triển chăn nuôi bền vững.
- MỘT SỐ GIỐNG GÀ NUÔI PHỔ BIẾN HIỆN NAY
2.1. Gà Tàu vàng
Tàu vàng hay gà Ta vàng là một giống gà bản địa của Việt Nam có nguồn gốc xa xưa từ Trung Quốc, được du nhập vào Việt Nam từ lâu, hiện chúng được nuôi dưỡng thuần hóa và lai tạo để sống chủ yếu ở phía Nam Việt Nam.
+ Đặc điểm
– Phần lớn chúng có lông màu vàng rơm, vàng sẫm, có đốm đen ở cổ, cánh và đuôi. Chân màu vàng, da vàng, thịt trắng, mào phần lớn là mào đơn và ít mào nụ.
– Thịt rắn chắc, thơm ngon. Sản lượng trứng 70 – 90 trứng/mái/năm, nặng 45 – 50 g/quả. Trong đó, tỷ lệ trứng có phôi 85%, tỷ lệ ấp nở 88%, tỷ lệ nuôi sống đến 8 tuần tuổi là 95%
– Trọng lượng trưởng thành con mái nặng 1,8 – 2 kg/con, con trống nặng 2,5 – 3 kg/con. Khối lượng có thể lúc mới nở khoảng 30g.
– Gà tàu vàng có tốc độ tăng trưởng nhanh, nuôi khoảng 4 tháng có thể xuất bán.
Hình 1: Giống gà tàu vàng
2.2. Gà nòi
– Nguồn gốc: Giống gà này có ở khắp các miền Việt Nam, thường gọi là gà chọi hay gà đá…
– Đặc điểm ngoại hình: Rất đa dạng, có lông màu xám, đen, trắng, màu đỏ lửa xen lẫn các vệt xanh biếc, con mái có màu xám đá, vóc dáng to, chân cao, cổ cao,….
– Chỉ tiêu kinh tế: Trọng lượng trưởng thành gà mái: 2,0 – 2,5 kg, gà trống: 3,0 – 4,0 kg. Thời gian đạt trọng lượng thịt 5 tháng, sản lượng trứng bình quân (50 – 60 trứng/ năm). Thời gian bắt đầu đẻ là 7 tháng. Con trống được dùng để lai với gà Ri và các giống gà khác để sản xuất con lai nuôi thịt.
– Giống gà Nòi hiện nay được người chăn nuôi rất ưa chuộng vì chúng có rất nhiều ưu điểm. Gà thích nghi tốt với điều kiện nuôi chăn thả, có sức đề kháng cao và ít bệnh, thịt săn chắc, được thị trường ưa chuộng, giá bán cao và ổn định hơn so với một số giống gà thả vườn khác.
Hình 2: Giống gà nòi
2.3. Giống gà Bình Định
– Nguồn gốc ở Bình Định, (ngày xưa giống gà này được nuôi cho mục đích làm gà chọi nhưng ngày nay đã được các công ty, doanh nghiệp chọn lọc và lai tạo để nuôi lấy thịt.
– Gà có tầm vóc to lớn, chân cao, xương ống chân to, trọng lượng trung bình sau 100 ngày nuôi gà mái đạt 1,8 – 1,9 kg/con, gà trống đạt 2,4 – 2,6 kg/con, gà tăng trưởng nhanh, tiêu tốn thức ăn thấp khoảng 2,5 – 2,7 kg TĂ/kg P.
– Gà có Màu lông tía đỏ đen (trống), lông đen xám tro hoặc vàng màu đất (mái)
Hình 3:Giống gà Bình Định
III. PHƯƠNG THỨC CHĂN NUÔI
Hiện nay ở nước ta đang tồn tại 3 phương thức chăn nuôi gà: Chăn nuôi nhỏ lẻ, thả vườn (chủ yếu trong hộ nôngdân); chăn nuôi bán công nghiệp (quy mô vừa, nuôi kết hợp thả vườn) và chăn nuôi công nghiệp (quy mô lớn, tập trung).
3.1. Chăn nuôi nhỏ lẻ, thả vườn
Đây là phương thức chăn nuôi truyền thống có hầu hết các vùng nông thôn Việt Nam. Đặc trưng của phương thức chăn nuôi này là đầu tư thấp, gà nuôi thả rông, tự tìm kiếm thức ăn và tận dụng phụ phẩm trong nông nghiệp, đồng thời tự ấp và nuôi con. Do chăn thả tự do, môi trường chăn nuôi không đảm bảo, vật nuôi dễ mắc bệnh dịch, tỷ lệ nuôi sống thấp (theo điều tra của Viện chăn nuôi quốc gia, tỷ lệ nuôi sống của đàn gà nuôi thả vườn từ 01 ngày tuổi đến lúc trưởng thành chỉ đạt 53%) và hiệu quả kinh tế không cao, chất lượng thịt, trứng thơm ngon.
3.2. Chăn nuôi bán công nghiệp
Đây là phương thức chăn nuôi có sự kết hợp những kinh nghiệm chăn nuôi truyền thống và kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến, nuôi các giống gà lông màu có năng suất cao. Đặc trưng của phương thức chăn nuôi này là quy mô đàn gà từ 200-500 con; đàn gà vừa thả, vừa nhốt và sử dụng thức ăn công nghiệp, nên tỷ lệ nuôi sống và hiệu quả chăn nuôi cao; thời gian nuôi rút ngắn, vòng quay vốn nhanh hơn so với chăn nuôi nhỏ lẻ nông hộ. Ước tính hiện có khoảng 10-15% số hộ nuôi theo phương thức này với số lượng gà sản xuất hàng năm chiếm tỷ lệ 25-30%.
3.3. Chăn nuôi công nghiệp
Chăn nuôi gà công nghiệp thường tập trung các công ty liên doanh, trang trại chăn nuôi gà với quy mô phổ biến từ 2.000 – 10.000 con/trại; có một số trang trại chăn nuôi với quy mô từ 50.000 đến 100.000 con. Ưu điểm cung cấp sản lượng lớn (thịt, trứng) chi thịt trường trong nước và xuất khẩu, thuận tiện cho sự liên kết giữa chăn nuôi và chế biến. Nhược điểm cần có nguồn vốn lớn, diện tích đất rộng, thị trường.
IV. CHUỒNG TRẠI – THIẾT BỊ VÀ DỤNG CỤ CHĂN NUÔI
4.1. Chuồng nuôi
– Vị Trí: Chuồng trại phải được xây dựng ở nơi bằng phẳng, cao ráo, không bị ngập úng, thuận tiện cho việc đi lại.
– Địa điểm: xây dựng chuồng trại phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đai của địa phương, nhà nước, phải cách biệt, cách xa khu dân cư, bệnh viện, trường học, chợ, nguồn nước sinh hoạt.
– Diện tích chuồng nuôi: Tùy theo số lượng gà định nuôi; Tuỳ thuộc vào điều kiện chuồng nuôi, mùa vụ, nhiệt độ môi trường mà quyết định mật độ nuôi cho thích hợp. Nếu nuôi mật độ quá đông gà sẽ chậm lớn và bệnh tật dễ xảy ra.
+ Nuôi nền sử dụng chất độn chuồng: 6 – 8 con/m2.
+ Nuôi sàn: 10 – 15 con/m2.
– Chuồng trại phải được vệ sinh sát trùng trước khi đưa gà vào nuôi.
– Sau khi xuất gà, nền chuồng, tường, trần, rèm che kể cả hành lang phải được quét sạch bụi bẩn, rửa sạch bằng nước. Sau khi khô nền, tiến hành tiêu độc bằng dung dịch sát trùng, liều lượng 1lít/4m2 lên toàn bộ khu vực chuồng nuôi. Thay thế trang thiết bị, sửa chữa chuồng (nếu cần).
– Thời gian trống chuồng sau khi vệ sinh càng lâu thì gà nuôi càng khoẻ, ít bệnh.
4.2. Trang thiết bị và dụng cụ chăn nuôi
– Quây gà, lồng úm:
+ Nếu số lượng gà con nhiều hơn 50 con, sử dụng quây. Quây có chiều cao khoảng 45 – 50 cm, diện tích 1 m2 là có thể úm cho 30 -50 gà con.
+ Nếu số lượng gà nhỏ hơn 50 con, có thể úm gà trong lồng úm. Kích thước lồng tùy thuộc vào số lượng gà định nuôi. Vệ sinh khử trùng lồng úm như khi cho gà vào úm.
Hình 4: Quây úm gà
– Chụp sưởi: Có thể làm chụp sưởi bằng bóng điện có công suất 60 – 100 w chụp có chao, treo cách đáy lồng 30 – 40 cm. Quây úm (hoặc lồng úm) phải được sưởi ấm vài giờ trước khi thả gà con vào.
Hình 5: đèn sưởi dùng để úm gà
– Máng ăn, máng uống: được bố trí đặt xen kẽ trong quây trước khi đưa gà vào. Khay ăn có kích thước 60 cm x 70 cm dùng cho 100 gà. Khay ăn tròn, đường kính 35 – 40 cm thì dùng cho 50 gà. Máng uống dùng máng 1,5 – 2 lít thì số lượng cần 2 máng cho100 gà. (bố trí máng ăn, uống tùy theo số lượng gà nuôi)
Hình 6:máng uống cho gà
Hình 7: máng ăn cho gà
4.3. Chọn gà giống:
Trong quá trình nuôi chọn giống là khâu quan trọng đầu tiên quyết định đến năng suất, chất lượng sản phẩm sau này, do đó cần chú ý một số đặc điểm sau:
+ Có nguồn gốc rõ ràng, mua gà giống từ các trại giống có uy tín, đàn bố mẹ được tiêm ngừa đầy đủ các bệnh theo quy định (dịch tả, tụ huyết trùng, cúm H5N1)
+ Có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y
+ Chọn gà con 01 ngày tuổi: Gà nhanh nhẹn, lông tươi xốp, không bị dị tật, không hở rốn, độ đồng đều cao. Gà được tiêm ngừa bệnh Marek
V. CHĂM SÓC NUÔI DƯỠNG: Có thể chia ra làm 2 giai đoạn để tiện theo dõi, chăm sóc như sau: Từ 0 – 4 tuần tuổi và 5 tuần – bán
5.1 Giai đoạn từ 0 – 4 tuần tuổi:
* Úm gà:
Giai đoạn úm là giai đoạn quan trọng, nếu úm không tốt gà bị mất nhiệt, lạnh, còi cọc, giảm sức đề kháng, gây tỉ lệ chết cao. Nhiệt độ úm tuần 1 từ 31 – 340 C, sau đó mỗi tuần giảm 10C, thời gian úm 4 tuần, sau 4 tuần cho gà thả tự do. Quan sát gà úm theo các hình minh họa sau
Đủ nhiệt | Thiếu nhiệt | Thừa nhiệt | Gió lùa |
* Thức ăn, nước uống:
Ngày đầu nhận gà về không nên cho gà ăn (vì hệ tiêu hóa gà chưa hoàn thiện) chỉ cho uống nước đun sôi để nguội pha thuốc úm (đường glucoza + Vitamine + B.comlex), sau 01 ngày cho gà ăn thức ăn công nghiệp chuyên dùng cho gà con (phân cử ngày 3 lần), sau 3 ngày cho gà ăn tự do cả ngày và đêm.
– Cung cấp thức ăn đúng chủng loại, đúng kích cỡ (nếu là thức ăn viên) vào các khay. Yêu cầu thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao.
– Đảm bảo cung cấp nước sạch cho gà uống tự do (không để gà thiếu nước)
– Thường xuyên cọ rửa máng uống và thay nước cho gà hàng ngày.
5.2 Giai đoạn từ 5 tuần tuổi – bán:
* Bãi chăn thả: Đối với gà thả vườn thì sau 3 tuần (mùa hè) và 4 tuần (mùa đông) có thể cho gà ra ngoài tắm nắng. Thời gian thả buổi đầu khoảng 1 – 2 giờ, sau đó cho gà vào chuồng, những buổi sau tăng dần thời gian thả từ 30 phút đến 1 giờ, như vậy sau khoảng 10 ngày là thả gà tự do. Xem xét diện tích vườn, khu vực chăn thả để quyết định số lượng gà nuôi. Diện tích vườn thả đảm bảo tối thiểu 2 m2 cho 1 gà.
Bố trí thêm hố để cát cho gà tắm nắng, gà ăn cát, sỏi giúp kích thích tiêu hóa tốt hơn.
5.3. Thức ăn cho gà:
Thức ăn phù hợp theo từng giai đoạn phát triển của gà
Cho gà tự do, ăn thức ăn công nghiệp 100% đặc biệt gà giai đoạn 1- 8 tuần tuổi để giúp gà phát triển tốt, sau 8 tuần tuổi có thể bổ sung thêm các loại thức ăn khác tùy vào điều kiện kinh tế của mỗi hộ nuôi.
5.4. Nước uống:
Cung cấp đầy đủ nước sạch (nước máy dự trữ trong lu để qua ngày) cho gà uống tự do.
Vệ sinh máng uống và thay nước mới ít nhất 2 lần/ ngày.
5.5. Quản lý đàn gà
Quan sát theo dõi đàn gà hàng ngày khi cho ăn, có biện pháp xử lý kịp thời nếu thấy gà ăn uống kém và có các biểu hiện khác thường.
Cần có sổ sách và ghi chép đầy đủ số liệu về các chi phí đầu vào (giống, thức ăn, thuốc thú y…) hàng ngày để tính hiệu quả kinh tế sau mỗi đợt nuôi.
5.6. Vệ sinh phòng bệnh
Để đảm bảo gà khoẻ mạnh phải chăm sóc nuôi dưỡng tốt. Chuồng nuôi, vườn chăn thả phải được thường xuyên vệ sinh, sát trùng, phòng bệnh cho đàn gà theo lịch.
STT | Ngày tuổi | Loại Vắc xin | Liều dùng |
1 | 1 | Marek | 0,2 ml/con, duy nhất 1 liều |
2 | 3 – 5 | Lasota | 1 giọt /con (nhỏ mắt hoặc mũi) |
3 | 7 -10 | Vaccin Gumboro | 1 giọt /con (nhỏ mắt hoặc mũi) |
4 | 10 – 12 | Đậu gà | 1 liều/con (đâm xuyên màng cánh) |
5 | 15 -17 | Cúm gia cầm | 0,5ml/con (tiêm dưới da cổ) |
6 | 14 – 18 | Vaccin Gumboro | 1 giọt /con (nhỏ mắt hoặc mũi) |
7 | 21- 23 | Lasota | 1 giọt /con (nhỏ mắt hoặc mũi) |
8 | 28 – 30 | Vaccin Gumboro | 1 giọt /con (nhỏ mắt hoặc mũi) |
8 | 40 – 43 | Newcastle
(chủng M) |
lọ 100 liều pha 100ml nước cất, tiêm dưới da cổ 1ml /con |
9 | 45 – 47 | Cúm gia cầm | 1ml /con (tiêm dưới da cổ) |
10 | 55 – 60 | Tụ huyết trùng | Tiêm theo hướng dẫn ghi trên lọ vắc-xin (tiêm bắp 1ml/con) |
* Những điều lưu y khi dùng vaccine phòng bệnh cho gà:
– Trong quá trình nuôi nếu đến lịch chủng ngừa mà gà có biểu hiện bệnh thì không chủng mà phải điều trị cho gà khỏi hẳn thì mới chủng ngừa, nếu gà đang bị bệnh mà chủng ngừa thì gà sẽ bệnh nặng thêm và hiệu lực của vaccine cũng giảm.
– Trước khi tiêm 2 ngày nên cho gà uống Vitamin C + đường glucoz hoặc loại bồi dưỡng khác để tăng sức đề kháng cho gà.
VI. MỘT SỐ BỆNH THƯỜNG GẶP TRÊN GÀ, BIỆN PHÁP PHÒNG TRỊ:
6.1. Bệnh Marek
* Nguyên nhân: Do virus thuộc nhóm Herpes gây ra. Bệnh Lây trực tiếp từ gà ốm sang gà khoẻ. Bệnh lây qua da và nang bao lông, qua không khí mầm bệnh có thể truyền đi rất xa, qua thức ăn, nước uống, dụng cụ chăn nuôi, trứng ấp, khay trứng… bị nhiễm mầm bệnh.
* Triệu trứng:
– Gà giảm ăn, đi tiêu chảy và giảm đẻ.
– Gà đi lại khó khăn, bại liệt, sã cánh một bên.
– Hô hấp khó khăn và bị mù mắt.
– Tỷ lệ chết từ 5 – 30% tùy thuộc vào chủng virut và giống gà.
* Bệnh tích:
– Sưng tổ chức thần kinh vận động nằm dọc cột sống. Dây thần kinh hông và cánh sưng to có màu xám hoặc vàng.
– Khối u do tăng sinh bạch cầu có rải rác ở mọi cơ quan nội tạng, màng treo ruột. Gan nổi hạt màu trắng đục (hạt lạc).
– Buồng trứng có khối u. Tim nhợt nhạt và đôi khi cũng có khối u mọc ở cơ tim.
– Da sần sùi giống như vẩy cứng.
* Phòng bệnh:
Tiêm phòng vacxin chủng HVT (Herpes virus Turkey) cho gà ngay từ lúc 1 ngày tuổi và tiêm dưới da.
Đối với gà nuôi ở giai đoạn hậu bị từ 6 – 20 tuần tuổi, gà rụng lông, hàng ngày phải tiến hành quét lông đưa ra ngoài và chôn đốt nhằm ngăn chặn mầm bệnh có trong nang lông và vảy da.
Tăng cường công tác vệ sinh ở trạm ấp, chuồng nuôi. Đặc biệt chú ý việc sát trùng kỹ vỏ trứng trước khi đem ấp bằng formol cũng như vệ sinh trạm ấp. Chú ý việc nhặt lông, đốt lông, nuôi cách ly gà con với gà lớn.
* Điều trị: Không có thuốc chữa.
6.2. Bệnh Newcastle (dịch tả gà hay bệnh gà rù)
* Nguyên nhân: Bệnh Newcastle do một loại virut thuộc họ paramyxo gây ra. Lây chủ yếu qua đường tiêu hoá: do thức ăn, nước uống có mầm bệnh hoặc gà khoẻ ăn phải chất thải khi làm thịt gà bệnh. Bệnh còn lây trực tiếp qua da và niêm mạc.
* Triệu chứng:
– Thời gian nung bệnh từ 5-6 ngày gà có biểu hiện lờ đờ, kém ăn, uống nhiều nước ngực ướt, thở khó, ho (khọt khẹt).
– Phân lỏng màu xanh trắng có mùi tanh khẳm, đôi khi có máu, hậu môn phân ướt dính bết.
– Mào tím, có thể phù nề quanh đầu.
– Tỷ lệ chết tăng dần và đạt tới 50 – 90% tùy theo đàn. Một số con không chết có triệu chứng động kinh, quay tròn, đầu rúc vào bụng.
Hình 7: Gà bị bệnh Newcastle
* Bệnh tích: Thực quản, dạ dày tuyến và cơ, ruột, lỗ huyệt xuất huyết, lách sưng to. Khí quản, phế quản có dịch nhờn, đôi khi xuất huyết. Da chân và da lườn bình thường, vành tim bình thường.
* Phòng bệnh: Bằng vacxin theo quy trình, nếu đàn gà bị dịch, xác gà phải chôn rắc vôi hoặc đun chín kỹ, lông chôn sâu, khu chuồng nuôi và dụng cụ rửa sạch, rắc vôi sau đó phun sát trùng kỹ bằng hóa chất, để chuồng nghỉ 1 – 2 tháng mới nuôi tiếp.
* Điều trị: Bệnh không có thuốc điều trị.
6.3. Bệnh Gumburo:
* Nguyên Nhân: bệnh do virus Gumburo gây ra, là bệnh truyền nhiễm cấp tính, bệnh thường xuất hiện ở gà 3-6 tuần tuổi. Khi gà mắc bệnh túi Fabracius bị phá huỷ gà sẽ suy giảm miễn dịch hoặc mất khả năng đáp ứng miễn dịch đối với các loại vacxin phòng trị các bệnh khác; từ đó gà dễ bị nhiễm kế phát với các bệnh truyền nhiễm khác.
* Triệu chứng:
– Trước thời gian nung bệnh 2 – 3 ngày gà bay nhảy náo loạn trong chuồng, mổ nhau, sau đó ủ rũ từng đám, lông xù, tụ đống, lù đù và sốt cao.
– Gà đi phân chảy nhớt màu trắng sữa hoặc màu xám xanh, trọng lượng giảm nhanh, đi run rẩy, tiếp theo gà chết với tỷ lệ tăng nhanh mỗi ngày từ 5 – 30% nếu không ghép với bệnh cầu trùng, CRD…nếu ghép tỷ lệ chết tới 70%, khi gà chết thường kêu ré lên, bị liệt chân.
– Gà thịt tuổi phát bệnh thường từ 20 – 40 ngày, gà hậu bị tuổi nhiễm bệnh 30 – 80 ngày, cũng có trường hợp phát bệnh sớm hơn từ 4 ngày gọi là nhiễm bệnh sớm.
Hình 8: triệu chứng gà bị bệnh Gumburo
* Bệnh tích: Những ngày đầu túi Fabricius sưng to, có dịch nhầy bao quanh, các ngày sau túi sưng đỏ hoặc teo đi và xuất huyết bên trong, thận sưng. Tiền mề xuất huyết vệt như quệt máu, ruột sưng có nhiều dịch nhầy bên trong. Cơ đùi và cơ ngực xuất huyết vệt đỏ hoặc thâm đen. Xác gà chết nhanh khô và cơ ngực thâm.
* Phòng bệnh:
– Vệ sinh phòng bệnh: phải định kì tẩy uế, vệ sinh chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi bằng các dung dịch sát trùng. Chọn gà giống không bị bệnh,…. phòng bệnh chủ yếu bằng vaccin theo đúng quy trình hướng dẫn.
+ Vacxin phòng bệnh: Hiện nay có rất nhiều loại vacxin, tùy từng loại mà ta nhỏ hoặc cho uống.
* Điều trị bệnh:
– Hiện nay không có thuốc đặc trị. Tuy nhiên áp dụng biện pháp tăng sức đề kháng sẽ giảm chết như sau:
+ Tiêm ngay kháng thể Gumboro cho toàn đàn 2 mũi/con, mỗi mũi cách nhau 3 ngày. Đồng thời pha vào nước uống tính cho 10 lít gồm đường Glucoza 500g, điện giải 100g, acetamin 50g, B.complex 10g, vitamin C và vitamin K mỗi thứ 10g, có thể dùng bột tổng hợp vitamin K và C. Cho gà uống nước suốt ngày đêm, lưu ý tăng cường thêm máng uống vì gà rất khát nước khi bị bệnh này.
+ Tuyệt đối không sử dụng kháng sinh điều trị sẽ làm tăng tỷ lệ chết, nếu ghép bệnh dùng thuốc trị đúng bệnh đó với liều ½ liều trị 3 ngày đầu, sau tăng đúng liều từ 2-3 ngày sau cùng.
6.4. Bệnh Đậu Gà:
* Nguyên nhân: Bệnh do một virut thuộc nhóm Pox – virus gây ra. Virut xâm nhập vào cơ thể do muỗi đốt, vết cắn của côn trùng hoặc qua vết thương cơ giới (sàn chuồng, máng ăn, sự mổ cắn nhau) làm rách niêm nạc ở da, là một bệnh truyền nhiễm cấp tính của gà với đặc trưng là hình thành mụn đậu ở những vùng không có lông và tế bào thượng bì, gây viêm thể cata ở niêm mạc miệng, họng, mũi. Bệnh chủ yếu ở gà con, gà có thể chết do ngạt thở, do mù.
* Triệu chứng: Thời gian nung bệnh 4 – 14 ngày, Gồm 2 thể:
– Thể ngoài da: Gà mắc bệnh đậu ở trên mào, mép nổi mụn sần sùi, có vẩy, đôi khi có cả ở trên thân và mi mắt.
– Thể kín: bệnh nặng, dễ gây bệnh kế phát, tỷ lệ chết cao, gà bị bệnh, nốt đậu mọc ở phía trong niêm mạc đường hô hấp, miệng, niêm mạc mắt. Gà bị đau mắt, sổ mũi, trong miệng có màng giả. Tỷ lệ chết tuỳ thuộc thể bệnh và các vi khuẩn kế phát.
Hình 9: Hình gà bị bệnh đậu
* Bệnh tích: Xác chết gầy do bệnh kéo dài, làm gà không ăn uống được. Những vết sẹo ở da, vết loét ở vùng hầu họng, xoang mũi nhiều dịch nhờn; gan, thận, hơi sưng và nhạt màu, cơ tim nhạt màu.
* Phòng bệnh: Bằng vacxin theo quy trình. Ngoài ra cần vệ sinh chuồng sạch sẽ, chuồng thông thoáng và diệt muỗi, diệt côn trùng như bọ nhảy, rận, bọ mạt, ve ở chất độn chuồng.
* Điều trị: Không có thuốc đặc trị, tuy nhiên phòng bội nhiễm bệnh khác cần cho gà uống thêm B.Complex, vitamin ADE và kháng sinh như Terramycin, Ampicillin…Tại các vết mụn đậu cậy ra và sát trùng bằng cồn Iodine hoặc bôi thuốc xanh Methylen, nước quả khế chua, nước quả chanh đều có tác dụng tốt.
6.5. Bệnh cúm Gia cầm H5N1
* Nguyên nhân gây bệnh
– Đặc điểm mầm bệnh:
+ Là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây bệnh cho gà, vịt, ngan ngỗng, chim cút, đà điểu, các loài chim cảnh, chim hoang dã
+ Bệnh do một loại vi rút gây nên: Phân typ virut cúm typ A (H5N1) là chủng vi rút có độc lực mạnh gây bệnh truyền nhiễm cao ở gia cầm (HPAI) thuộc danh mục bảng A của Tổ chức Dịch tễ thú ý thế giới (OIE), gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất cho động vật và có khả năng lây lan sang người.
+ Là bệnh rất nguy hiểm, gây bệnh nặng và làm gia cầm chết hàng loạt.
– Đường lây nhiễm:
+ Bệnh có thể lây lan trong đàn rồi lan sang các đàn khác, vùng khác.
+ Gia cầm nhiễm virut có thể truyền virut qua nước dãi, qua phân, nước mũi, nước mắt và máu, chúng dính vào cỏ rác, và được gió truyền đi rất xa.
+ Mầm bệnh dính vào quần áo khi đi ra ngoài và được mang vào trại bởi người nuôi.
+ Mầm bệnh mang vào trại bởi các động vật như chuột, và các động vật khác, xe cộ hoặc từ việc mua con giống không rõ nguồn gốc.
* Triệu chứng bệnh:
– Thời gian ủ bệnh từ vài giờ đến 3 ngày.
– Nhiều gia cầm ốm và chết đột ngột.
– Gà ủ rũ, đầu gục xuống và đi loạng choạng.
– Kém ăn, khát nước nhiều.
– Phù đầu và cổ, mắt sưng.
– Chảy nước mắt và nước mũi.
– Vùng da trụi lông tím tái, lông xơ xác.
– Khuỷu chân và bên ngoài bàn chân, da chân có hiện tượng xuất huyết lốm đốm.
– Phân lỏng lúc đầu có màu xanh sáng, sau là màu trắng và hậu môn chảy máu.
– Các đàn giống đang sinh sản, năng suất trứng giảm rõ rệt.
– Vịt và ngỗng có triệu chứng ủ rũ, kém ăn, ỉa chảy có màu phân xanh trắng.
– Vịt nhiễm virut cúm gia cầm và bài thải virut ra ngoài trong khi không có các biểu hiện triệu chứng và bệnh tích điển hình như gà.
* Bệnh tích
– Biểu hiện bên ngoài:
+ Mào và yếm, tích sưng to, phù nề quanh mắt.
+ Chỗ da không có lông bị tím bầm.
+ Chân xuất huyết, xuất huyết vùng đầu và thâm tím.
– Biểu hiện bên trong.
+ Niêm mạc phế quản phù nề có chứa chất nhầy.
+ Xoạng bụng tích nước, hoặc viêm dính.
+ Xuất huyết lốm đốm ở bề mặt niêm mạc.
+ Xuất huyết toàn bộ đường tiêu hóa.
Hình 10: Gà bị cúm mào tím bầm; mắt sung huyết |
Hình 11: Tụ huyết, xuất huyết ở da chân-biểu hiện đặc trưng của bệnh cúm gia cầm |
* Biện pháp phòng, chống bệnh
– Cách ly tốt (cách ly triệt để):
+ Không nuôi lẫn các loại gia cầm: gà, vịt, ngan, ngỗng trong cùng một chuồng nuôi hoặc ở sát gần nhau.
+ Thực hiện phương án nuôi cùng nhập, cùng xuất, nếu không thực hiện được thì khi nhập đàn mới phải có nơi nuôi cách ly với đàn cũ 2 tuần để theo dõi.
+ Không cho gia cầm vào nhà.
– Đảm bảo nguồn con giống tốt:
+ Nên mua gia cầm ở nơi có nguồn gốc an toàn dịch bệnh (giấy chứng nhận).
+ Cách ly đàn mới nhập ít nhất 2 tuần. Nếu gia cầm không có dấu hiệu bị bệnh thì sau 2 tuần có thể nhốt chung với đàn gia cầm hiện tại.
– Vệ sinh sạch sẽ.
+ Nước uống phải sạch, thay nước uống hàng ngày.
+ Các dụng cụ đựng thức ăn và nước uống phải có nắp đậy.
+ Thường xuyên dọn phân và chất độn chuồng thu gom và ủ kỹ.
+ Dọn và vệ sinh chuồng nuôi, dụng cụ sạch sẽ sau khi bán hết lứa gà (rửa sạch, quét vôi, phun chất sát trùng, để trống chuồng 15-20 ngày).
– Tiêm phòng: Tiêm phòng theo đúng quy định theo khuyến cáo ngành Thú y.
Khi phát hiện gia cầm bệnh cần báo ngay chính quyền địa phương, cơ quan thú y để kiểm tra, xét nghiệm, Nếu bị cúm gia cầm thì tiêu hủy theo đúng quy định.
6.6. Bệnh tụ huyết trùng
* Nguyên nhân gây bệnh: Bệnh tụ huyết trùng gia cầm là một bệnh truyền nhiễm, do vi khuẩn Pasteurell aviseptica gây ra, bệnh thường xảy ra vào mùa mưa, những thời điểm giao mùa, gây chết nhiều gia cầm nuôi tập trung của gia đình. Bệnh thường xảy ra lẻ tẻ, tỷ lệ bệnh không cao nhưng chết rất cao.
* Triệu chứng: Giai đoạn cấp tính gia cầm chết đột ngột với tỷ lệ cao. Chúng có trạng thái mỏi mệt, mào tím tái, đi lại chậm chạp, liệt chân hay liệt cánh, tiêu chảy thất thường có màu trắng loãng hoặc trắng xanh, đôi khi có máu tươi, thở khó, chảy nước mũi. Giai đoạn 4 – 5 ngày tích sưng, mũi sưng, viêm khớp và bại liệt, viêm kết mạc.
* Bệnh tích: Thịt sẫm màu. Xuất huyết các cơ quan, viêm bao tim, xoang, bao tim tích nước vàng, viêm phúc mạc, viêm quanh gan, gan sưng to và có những ổ hoại tử. Ruột viêm đỏ ở trực tràng.
* Phòng bệnh: Tiêm phòng bằng vacxin theo quy trình. Ngoài ra phòng bằng kháng sinh dùng một trong các loại sau: Cosumix 2g/lít nước, Tetracycline 1g/4 lít, Flumequin, Sunfamerazin, Sunfaquynoxalin liều 20mg/kg thể trọng (hoặc 1g/lít nước). Cần chú ý vệ sinh chuồng và dụng cụ để giảm khí độc và mật độ vi khuẩn có trong chuồng nuôi.
* Điều trị bệnh: Các thuốc trên dùng tăng liều gấp đôi và sử dụng từ 3-5 ngày, ngoài ra nếu bệnh nặng tiêm Streptomycin kết hợp với Kanamycin với liều từ 50 – 100mg/kg thể trọng trong 3 ngày, hoặc Gentamycin kết hợp Ampicillin tiêm bắp 50mg/kg thể trọng trong 3 ngày.
6.7. Bệnh Thương Hàn (Bạch lỵ)
* Nguyên nhân: Vi khuẩn Gram (-) Salmonella pullorum vi khuẩn đề kháng yếu, dễ bị diệt bởi thuốc sát trùng như iodine, formol nồng độ 1 – 2%. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính ở gà con và mạn tính ở gà lớn. Bệnh gây viêm, hoại tử niêm mạc đường tiêu hoá và các cơ quan phủ tạng.
* Triệu chứng bệnh:
– Gà con: Ủ rũ, kém ăn, tụ lại từng đám. Phân tiêu chảy màu trắng một thời gian sau chuyển sang phân vàng, hậu môn dính phân đóng thành cục. Tỷ lệ ốm tăng dần và tỷ lệ chết 5 – 15%.
– Gà lớn: Trong đàn gà phát hiện thấy những con gà ủ rũ, đi phân chảy phân xanh lẫn máu, gà lớn chậm, gầy. Với gà đẻ sẽ giảm sản lượng trứng, trứng nhạt màu, nhỏ, kích thước không đều và rất dễ vỡ do vỏ mỏng, sần sùi, vỏ không đều, có khi còn đẻ trứng không vỏ vv…
* Bệnh tích:
– Gà con: Bệnh tích không mấy điển hình ở gà con, thường thấy Gan, phổi sung huyết đỏ bầm hoặc gan và lách có điểm hoại tử trắng lấm tấm như đinh gim. Tim, phổi có điểm hoại tử trắng. Lòng đỏ chưa tiêu hết, có màu xám, đen và cứng ở trong xoang bụng. Lách sưng to, thận sung huyết.
– Gà trưởng thành: Trứng non méo mó, biến dạng và có màu sắc biến đổi từ đỏ sang trắng (u nang buồng trứng). Gà trống dịch hoàn viêm, từng điểm lúc đầu đỏ sau hoại tử trắng.
* Phòng bệnh:
– Phòng bệnh chủ yếu bằng biện pháp vệ sinh Thú y, thường xuyên vệ sinh tiêu độc chuồng.
– Gà con: Nhập nuôi để tại nơi sạch, sát trùng kỹ và biệt lập, cách ly hẳn với gà lớn. Mua gà có nguồn gốc rõ ràng, từ trại giống có uy tín.
– Chuồng nuôi: Chất độn chuồng thường xuyên thay đổi, giữ khô.
– Thức ăn, nước uống tránh nhiễm bẩn từ phân.
– Điều trị:
+ Ampicillin; Doxicyllin; Cosumix: 1 – 2g/lít nước, liên tục 3 ngày/tuần.
+ Kết hợp cho uống thêm B.Complex 3g/lít nước.
6.8. Bệnh CRD (viêm đường hô hấp)
Bệnh CRD còn gọi là bệnh hô hấp mạn tính, là một bệnh truyền nhiễm Bệnh gây viêm niêm mạc đường hô hấp trên và các thành túi hơi.
* Nguyên nhân: Bệnh do Vi khuẩn Mycoplasma Gallisepticum gây nên. Bệnh lây trực tiếp từ ngoài không khí (do gà bệnh hắt hơi sổ mũi bắn ra) vào cơ thể gà khoẻ mạnh qua đường hô hấp. Bệnh có khả năng truyền qua trứng, Gà con nở ra từ trứng bị bệnh sẽ phát bệnh và lây lan. Gà trống bị bệnh có khả năng truyền bênh sang gà mái qua đường sinh dục.
* Triệu chứng: Gà con những ngày đầu bị bệnh thấy dịch chảy ra ở mũi, mắt, lúc đầu trong sau đặc lại và nhầy trắng. Gà ho, thở khò khè về đêm, ăn ít, gầy. Ở gà lớn thở khò khè, chậm lớn, đẻ giảm, trứng đổi màu, vỏ xù xì.
* Bệnh tích: Bệnh cấp tính ở xoang mũi và khí quản chứa đầy dịch viêm keo nhầy màu trắng hơi vàng, màng túi khí trắng đục. Bệnh mạn tính thì màng túi khí dầy và đục trắng như chất bã đậu. Nếu kế phát bệnh E. coli thì bề mặt gan, màng ngoài bao tim và màng bụng tăng sinh, viêm dính vào gan, tim, ruột.
* Chẩn đoán bệnh
– Cần chẩn đoán phân biệt với 1 số bệnh:
+ Bệnh tụ huyết trùng gia cầm: thường xảy ra ở gia cầm lớn, và vào những khi thời tiết thay đổi vi khuẩn tác động chủ yếu đến bộ máy hô hấp gây khó thở bại huyết và chết rất nhanh. Ngoài ra còn có các bệnh tích đặc trưng là: Xuất huyết lớp mỡ vành tim và cơ tim, gan có những điểm hoại tử nhỏ, xoang ngực, xoang bao tim tích nước vàng. Gia cầm chết nhanh sau những tác động mạnh.
+ Bệnh Neweastle: Xác chết gầy, cũng có triệu chứng hắt hơi, sổ mũi nhưng gia cầm còn có triệu chứng thần kinh, đi đứng không vững thức ăn không tiêu. Bệnh tích đặc trưng ở đường tiêu hoá: viêm xuất huyết, loét ruột, dạ dày cơ và dạ dày tuyến.
+ Bệnh viêm thanh khí quản truyền nhiễm: Chỉ xảy ra ở gà đẻ (5-12 tháng), gà con không bị bệnh, bệnh cũng có những triệu chứng hô hấp nhưng không có bệnh tích ở buồng trứng, không viên mắt, bệnh rất khó chẩn đoán.
+ Bệnh nấm phổi: Chủ yếu ở gà con, phổi gà bệnh có những u nấm màu vàng xám to nhỏ không đều.
* Phòng bệnh:
+ Đối với trứng giống: Nhúng trứng vào dung dịch kháng sinh gồm một trong các thuốc sau: Tylosin 2500mg/lít nước, Tiamulin 1000mg/lít nước, Gentamycin 2500mg/lít nước. Trứng nhúng 10 phút trước khi ấp
+ Đối với gà:
Phòng bệnh dùng Tiamulin 1g/8 lít nước uống 3 ngày/tuần, gà đẻ uống 1 tuần/tháng.
* Điều trị bệnh:
– Dùng Tiamulin: liều chữa dùng liều gấp đôi liều phòng và uống trong 3 – 5 ngày. Ngoài ra nếu dùng Tylosin phòng bệnh 1 g/4 lít nước và chữa dùng liều 1 g/2 lít nước, điều trị 3 – 5 ngày.
– Các thuốc khác như Gentamycin, Gentadox, Tetramycin. Kết hợp uống B.complex và cải thiện môi trường nuôi gà, giảm mật độ, giữ ấm khi trời lạnh
6.9. Bệnh cầu trùng:
* Nguyên nhân:
– Do một loại động vật đơn bào, hình cầu ký sinh ở các đoạn ruột của gà. Bệnh cầu trùng cũng là một trong số những nguyên nhân chính gây tử vong, chậm tăng trưởng, tăng tiêu tốn thức ăn ở đàn gà non ngay cả khi các biện pháp phòng ngừa thích hợp được thực hiện.
– Bào nang là giai đoạn gây nhiễm bệnh trong vòng đời, bào nang có thể truyền cơ học do người, ngoại ký sinh trùng (mò, mạt), các dụng cụ nhiễm trùng hoặc đôi khi do gió mang bụi và rác ở chuồng gà nhiễm bệnh sang.
* Triệu chứng bệnh:
– Gà ủ rũ, lông xơ xác, tiêu chảy, mào và yếm nhợt nhạt, đặc trưng của bệnh là phân có máu (màu cà phê, nước nhai trầu, thậm chí còn thấy cả máu tươi trong phân).
– Cầu trùng manh tràng: Bệnh hay gặp ở gà con dưới 2 tháng tuổi, triệu chứng nặng hay nhẹ còn phụ thuộc vào số lượng noãn nang mà gà ăn phải. Nếu nhiễm bệnh sẽ phát ra nhanh và tỷ lệ chết cao. Gà ủ rũ, chậm chạp, lông xù, bỏ ăn, uống nhiều nước, phân màu đỏ (có máu tươi) hoặc màu sôcôla. Mào nhợt nhạt bệnh kéo dài 24 ngày, gà có thể chết hàng loạt nếu như không có biện pháp can thiệp kịp thời.
– Cầu trùng ruột non: Gà bị bệnh ủ rũ chậm chạp, lông xù, cánh rã, ỉa chảy phân nhầy đôi khi lẫn máu. Tỷ lệ gà ốm và chết thấp. Bệnh có thể ở dạng mạn tính gà gầy, chậm lớn, chết rải rác kéo dài.
– Cầu trùng ruột già: Bệnh thường nhẹ, gà ủ rũ kém ăn, ỉa chảy phân nhầy đôi khi có lẫn máu, tỷ lệ đẻ giảm. Gà khỏi bệnh thường được miễn dịch với bệnh.
* Bệnh tích:
– Bệnh tích đặc trưng chủ yếu ở đường tiêu hoá như ruột có các điểm xuất huyết xen lẫn với các điểm trắng ở màng treo ruột và đặc biệt là đoạn manh tràng (ruột già) sưng to, bên trong chứa đầy máu tươi, nhìn phía ngoài trông giống như khúc ruột lợn nhồi tiết.
– Cầu trùng manh tràng: Manh tràng sưng to, trong chứa đầy máu.
– Cầu trùng ruột non: Ruột non sưng phồng, trong chứa dịch nhày lẫn máu và fibrin. Bề mặt niêm mạc ruột non có nhiều điểm trắng xám.
– Cầu trùng ruột già: Bề mặt niêm mạc ruột già có nhiều điểm trắng, niêm mạc có thể bị hoại tử.
* Phòng bệnh:
– Thực hiện tốt quá trình chăm sóc nuôi dưỡng và vệ sinh Thú y tránh không để phân và chất độn chuồng lưu trữ lâu ngày nhằm hạn chế sự tàng trữ và lây truyền noãn bào trong ổ lót.
– Lắp đặt và sử dụng hợp lý hệ thống nước uống, các vòi, núm uống nước khóa chặt, chỉ cho nước chảy ra khi gà cần uống nước, như thế sẽ làm giảm chảy nước vào ổ lót so với máng uống nước hoặc cốc uống.
– Tỷ lệ thông thoáng của chuồng nuôi phải thích hợp. Định kỳ cho thuốc chống cầu trùng vào khẩu phần để phòng bệnh lâm sàng.
– Luôn giữ chuồng khô và ấm, thương xuyên vệ sinh chuồng và dụng cụ sạch sẽ
* Điều trị bệnh: Dùng một trong các thuốc sau để chữa.
+ Rigecocxin + Vitamin K và C liều 1g/1 – 4 lít nước tùy bệnh nặng hay nhẹ liều trình từ 4 – 5 ngày.
+ Vetpro + Rigecocxin + Vitamin K và C liều 1g/1 – 4 lít nước tùy bệnh nặng hay nhẹ liều trình từ 4 – 5 ngày.
+ Vetpro + Vitamin K và C liều 1g/1 – 4 lít nước tùy bệnh nặng hay nhẹ liều trình từ 4 – 5 ngày.
+ Esb3 + Vitamin K và C liều 1g/1 – 4 lít nước tùy bệnh nặng hay nhẹ liều trình từ 4 – 5 ngày.
6.10. Bệnh đầu đen trên gà (HISTOMONIASIS)
Là bệnh do một loại đơn bào có tên là Histononas Meleagridis gây ra, bệnh tích chủ yếu tập trung ở manh tràng và gan. Hiện nay bệnh xảy ra nhiều trên gà ta, trên tất cả các vùng, đặc biệt nơi chuồng trại và sân vườn ẩm ướt.
* Nguyên nhân gây bệnh: Do đơn bào Histomonas meleagridis ký sinh ở niêm mạc manh tràng và gan gây nên các bệnh tích điển hình quằng mắt xinh tím và lan đến đầu (bệnh đầu đen)
* Đường truyền lây: Bệnh truyền qua đường tiêu hóa, gà khỏe ăn thức ăn, nước uống nhiễm mầm bệnh, khi sức đề kháng của gà giảm, bệnh sẽ phát ra. Gà bệnh thải phân, mầm bệnh có trong trứng giun kim hoặc phân gà chứa mầm bệnh được giun đất ăn, do đó mầm bệnh tồn tại rất lâu trong môi trường vì vậy rất khó xử lý triệt để. Ở những khu vực chăn nuôi gà đã từng mắc bệnh, những lứa nuôi tiếp theo có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao.
* Đối tượng mắc bệnh: Bệnh xảy ra chủ yếu trên gà, gà nuôi chăn thả, bán chăn thả và một số loài chim. Bệnh thường xảy ra ở gà trên 2 tuần tuổi đến 4 tháng tuổi. Khi môi trường ô nhiễm, gà giai đoạn sinh sản nuôi chăn thả vẫn mắc bệnh.
*Triệu chứng: Triệu chứng sẽ xuất hiện sau 7-12 ngày sau khi gia cầm ăn phải trứng giun, gà có biểu hiện lờ đờ, xả cánh, xù lông, sốt cao, rúc đầu vào cánh, đứng tụm chỗ có nắng ấm, phân sáp vàng, sáp đen, hoặc giống gạch cua đôi khi có lẫn máu, mắt hõm sâu, quầng mắt xanh tím và lan lên đầu (đầu gà bị đen).Gà giảm ăn, gầy còm và chết
* Bệnh tích:
+ Bệnh tích đầu tiên xảy ra trên manh tràng: viêm loét manh tràng làm cho thành manh tràng dày lên, thỉnh thoảng ,những vết loét này ăn mòn thành manh tràng, dẫn đến viêm phúc mạc và các cơ quan nôi tạng khác. Manh tràng chứa chất nhầy màu vàng xanh, màu của máu, Ở giai đoạn sau,tạo thành một lõi cứng màu trắng.
Hình 12:Bệnh tích ở manh tràng gà bị bệnh đầu đen
Gan viêm sưng to, trên bề mặt gan có những đốm đỏ thẩm, sau đó biến thành những ổ hoại tử màu trắng và ăn sâu vào trong mô gan.
Hình 13: Bệnh tích ở gan gà bị bệnh đầu đen
* Điều trị và phòng bệnh:
Để điều trị bệnh, có thể tiêm cho gà bằng thuốc chứa Doxycyclin; hoặc trộn vào thức ăn, nước uống cho gà bằng các thuốc chứa Sulfamonomethoxine hoặc Doxycyclin (liều lượng theo khuyến cáo của nhà sản xuất từ 60-100mg/kg trọng lượng/ngày). Kết hợp bổ sung thuốc bổ gan, vitamin, men tiêu hóa, thuốc trợ sức, trợ lực cho gà.
Khi điều trị bệnh, cần tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng, cải thiện môi trường chăn nuôi, vệ sinh, phun khử trùng chuồng nuôi và môi trường xung quanh.
Thực hiện tốt vệ sinh phòng bệnh: Đảm bảo thời gian trống chuồng sau mỗi lứa gà, không nuôi chung gà tây với các giống gà khác, không nuôi gà nhiều lứa tuổi trong cùng một khu vực. Định kỳ vệ sinh, phun khử trùng chuồng nuôi, sân chơi, vườn thả gà, rắc vôi bột ở khu vực nuôi để diệt mầm bệnh. Hạn chế thả gà ra vườn khi trời mới mưa. Định kỳ tẩy giun cho gà và dọn sạch phân sau khi tẩy.
Ở những vùng đã có bệnh, khi gà trên 20 ngày tuổi, có thể cho uống dung dịch: 1g thuốc tím hoặc 2g sulfat đồng pha với 10 lít nước cho gà uống trong 1-2 giờ, nếu thừa phải đổ bỏ, cứ 20 ngày cho gà uống một lần.
Đối với những chuồng nuôi, bãi chăn thả gà mắc bệnh đầu đen, cần trống chuồng ít nhất 30 ngày, trước khi trống chuồng, cần vệ sinh chuồng nuôi và bãi chăn thả sạch sẽ, thu gom chất thải ủ sinh học hoặc đốt. Trong thời gian trống chuồng, định kỳ 1 lần/tuần phun khử trùng chuồng nuôi, bãi chăn thả và môi trường xung quanh; cuốc đất rắc vôi, diệt giun đất.
VII. KỸ THUẬT LÀM ĐỆM LÓT TRÊN GÀ
7.1. Lợi ích việc sử dụng chế phẩm sinh học làm đệm lót
- Phân hủy phân giảm mùi hôi thối, khí độc trong chuồng nuôi, môi trường ô nhiễm.
- Giảm được công việc nặng nhọc trong việc thường xuyên thay chất độn lót
- Giảm tỷ lệ mắc bệnh, giảm công và chi phí thuốc trong việc chữa trị.
- Úm gà con trên đệm lót sinh học giúp gà con khỏe mạnh, đồng đều, ít bị bệnh và tăng trưởng tốt sau này. Gà nuôi trên nền đệm lót không bị thối bàn chân, không bị què chân, lông mượt, giảm tồn dư kháng sinh, nâng chất lượng đàn gà và chất lượng của sản phẩm, chi phí chung ít tăng thu nhập.
7.2. Kỹ thuật làm đệm lót chuồng nuôi gà
Phương pháp Làm chế phẩm men như sau: Chế phẩm Sinh học 1 kg trộn đều với 5 – 7 kg bột bắp hoặc cám gạo, cho thêm khoảng 2,5 – 3,2 lít nước sạch, xoa cho ẩm đều, sau đó cho vào túi hoặc thùng để chỗ ấm ủ trong 2-3 ngày.
7.2.1 Phương pháp làm đệm lót với nguyên liệu là trấu (dùng để úm gà con, nuôi gà thịt).
Nền chuồng làm bằng đất hoặc được láng xi măng hay lát gạch.
* Làm đệm lót cho 30-50 m2 nền chuồng theo các bước sau:
Bước 1: Rải trấu lên toàn bộ nền chuồng dầy 10 cm, sau đó thả gà vào
Bước 2: Sau 7-10 ngày đối với gà nuôi úm, sau 2- 3 ngày đối với gà nuôi thịt quan sát trên bề mặt chuồng thấy phân rải kín, ta dùng tay hoặc cào cán ngắn để cào sơ qua lớp mặt đệm lót (lưu ý khi cào nên quây gọn gà về từng phía một khi làm để tránh gây xáo trộn đàn gà)
Bước 3: Sau khi cào lớp mặt xong rắc đều chế phẩm men đã được chế lên toàn bộ bề mặt độn lót, sau đó dùng tay xoa trên mặt để men được phân tán đều.
7.2.2. Phương pháp làm đệm lót với nguyên liệu là mùn cưa hoặc kết hợp với trấu:
* Thực hiện làm đệm lót cho 30-50 m2 nền chuồng gồm các bước sau:
Bước1: Rải đều lớp mùn cưa dầy 15cm lên nền chuồng (nếu kết hợp dùng trấu thì đầu tiên rải 8cm trấu, sau đó rải tiếp 7cm mùn cưa).
Bước 2: Nếu mùn cưa khô, phun nước sạch đều lên trên lớp mùn cưa sao cho mùn cưa có độ ẩm 20% ( dùng tay bốc một nắm mùn cưa, quan sát thấy hạt mùn cưa thấm ẩm nhưng vẫn tơi rời là được), thả gà vào nuôi.
Chú ý: phun nước phải như mưa và sau một lúc phải dùng tay xoa cho ẩm đều.
Bước 3: Giống như bước 2 làm đệm lót với nguyên liệu là trấu.
Bước 4: Rắc đều chế phẩm men đã được chế lên toàn bộ bề mặt đệm lót. Sau đó dùng tay xoa trên mặt để men được phân tán đều.
Lưu ý: Trường hợp sử dụng luôn chuồng úm gà để nuôi tiếp: Khi đạt đến 22 ngày tuổi, sau khi cào cho tơi trên mặt đệm lót, rắc đều chế phẩm men đã được chế lên toàn bộ bề mặt, sau đó dùng tay xoa trên mặt để men được phân tán đều khắp.
7.3. Sử dụng và bảo dưỡng đệm lót
– Phải chú ý làm tơi xốp bề mặt đệm lót: cứ sau 1-2 ngày cào trên bề mặt đệm lót một lần( không được cào sâu xuống sát nền chuồng)để giúp cho đệm lót được tơi xốp, phân sẽ được phân hủy nhanh hơn. Thời gian dài ngắn tùy thuộc vào mặt đệm lót bị nén chặt hay không và lượng phân nhiều hay ít.
– Nuôi trong vài tuần nếu có mùi hơi hăng hắc thì xới tơi đệm lót, để cửa thông thoáng, mùa nóng có thể dùng quạt gió. Men kém hoạt động bổ sung thêm chế phẩm men sinh học.
– Bảo dưỡng đệm lót làm vào buổi chiều mát sẽ đỡ ảnh hưởng đến gà, tránh làm ướt đệm lót.
– Do nhiệt độ ở đệm lót luôn ấm nóng, khi úm gà chỉ cần quây kín phía dưới khoảng 50 cm còn phía trên phải để thoáng, đặc biệt trong mùa nóng, treo đèn cao hơn để tránh nhiệt độ cao làm bốc hơi nước.