THÔNG TIN CHUYÊN NGÀNH
1.1. THÔNG TIN TRẠM CHĂN NUÔI THÚ Y VÀ THỦY SẢN (PHỤ LỤC 3.1)
1.2. Kế hoạch
Tiêm phòng Cúm gia cầm, tiêm phòng Dại chó, tiêm phòng bệnh LMLM, VDNC trên bò, kế hoạch tiêu độc khử trùng. (Nội dung các kế hoạch thực hiện các đợt trong năm của Trạm Chăn nuôi Thú y và Thuỷ sản) (Phụ lục 3.1)
1.3. Công tác tiêm phòng, TĐKT phòng chống dịch bệnh trên địa bàn huyện
Hiện nay có 04 loại vắc xin phòng bệnh gia súc, gia cầm được nhà nước hỗ trợ là: vắc xin Cúm gia cầm, vắc xin LMLM, vắc xin VDNC và vắc xin Dại chó. Công tác triển khai thực hiện từng loại vắc xin cho từng đối tượng tiêm phòng như sau:
– Tiêm phòng Dại chó: Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm chung giữa người và động vật có máu nóng, do một loại vi rút hướng thần kinh gây ra. Người bị nhiễm vi rút dại sẽ lên cơn dại và tử vong nếu không được xử lý đúng cách và kịp thời. Đặc biệt thời tiết nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến khoảng 35-37°C, bệnh dại rất dễ phát sinh. Theo Kế hoạch, Trạm Chăn nuôi Thú y và Thủy sản huyện Vũng Liêm đã nhận 15.000 liều vắc vắc xin dại để phục vụ công tác tiêm phòng bắt buộc cho đàn chó, mèo có số tuổi từ 03 tháng trở lên trong địa bàn huyện. Hiện tại, Trạm đã thực hiện tiêm phòng được 15.270 liều, đạt 101,8% so KH. Trong đó Người chăn nuôi tự tiêm là 570 liều.
– Công tác tiêm phòng Cúm gia cầm: Bệnh Cúm gia cầm là một bệnh truyền nhiễm ở loài chim (bao gồm cả gia cầm và chim hoang dã) và động vật có vú (bao gồm cả người), gây ra do vi rút cúm típ A. Trên vỏ bọc có hai loại kháng nguyên H (Hemagglutinin, từ H1 đến H16) và N (Neuraminidase, từ N1 đến N9). Tùy theo chủng vi rút gây bệnh, ký hiệu của subtype H và N được chỉ định cho chủng vi rút đó. Ở Việt Nam hiện nay đã xác định chủng vi rút gây bệnh Cúm gia cầm thể độc lực cao là H5N1 và H5N6. Để việc chăn nuôi đạt hiệu quả cao, người chăn nuôi nên áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, áp dụng quy trình chăn nuôi khép kín tự túc con giống. Có thể mua con giống khoẻ mạnh, sạch bệnh ở các trại giống lớn uy tín. Thực hiện tiêm phòng các loại vắc xin định kỳ theo lứa tuổi là cách phòng bệnh hiệu quả nhất. Hiện nay vắc xin cúm gia cầm được tỉnh hỗ trợ, các hộ chăn nuôi gia cầm tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm cho đàn gia cầm nuôi theo đúng quy định của cơ quan thú y.
Trong 09 tháng đầu năm 2024 Trạm Chăn nuôi thú y và Thuỷ sản đã thực hiện tiêm phòng được 1.402.600 /2.000.000 liều, đạt 70,13% so KH năm.
– Tiêm phòng vắc xin Viêm da nổi cục và LMLM trên Bò
+ Tiêm phòng vắc xin Viêm da nổi cục: Bệnh VDNC do Virus Lumpy skin gây ra, virus thuộc Chi Capripoxvirus, họ Poxviridae (Woods, 1988). Caprixvirus là chi có ảnh hưởng lớn đến gia súc nhai lại ở các nước Châu Phi và Châu Á (King và cộng sự, 2012), bao gồm các loài virus gây bệnh viêm da nổi cục (LSDV), gây bệnh đậu cừu (SPPV) và đậu dê (GTPV).
Bệnh do virus gây ra do đó chưa có thuốc điều trị. Phòng ngừa bệnh để tránh những thiệt hại kinh tế đáng kể bởi hỏng da, mất sữa do viêm vú, giảm cân, chết, sẩy thai. Tiêm phòng là phương pháp hiệu quả nhất để kiểm soát dịch bệnh vì việc hạn chế di chuyển của côn trùng là không hiệu quả. Vaccine hiệu quả chống lại bệnh VDNC và việc sử dụng vaccine càng sớm thì tác động tiêu cực đến kinh tế càng ít nghiêm trọng hơn. Hiện nay việc tiêm phòng vaccine để phòng bệnh và kiểm soát bệnh được cho là biện pháp để làm giảm thiệt hại cho đàn gia súc. Vaccine hiện nay được sử dụng ở Việt Nam chủ yếu là vaccine sống nhược độc đông khô thời gian cho miễn dịch ít nhất là 12 tháng. Do đó, chúng có thể bảo hộ đàn gia súc bằng vacccine để giảm thấp nhất thiệt hại của bệnh đối với các hộ chăn nuôi.
Thực hiện tiêm phòng trong 09 tháng đầu năm 2024 Trạm Chăn nuôi thú y và Thuỷ sản đã thực hiện tiêm phòng được 16.210 liều, đạt 64,37% so KH năm.
+ Tiêm phòng vắc xin Lở mồm long móng:
Bệnh lở mồm, long móng gia súc (LMLM) là bệnh truyền nhiễm, lây lan nhanh. Bệnh LMLM lây lan qua đường tiếp xúc giữa động vật khoẻ với động vật, sản phẩm động vật, thức ăn, nước uống, không khí, chất thải, dụng cụ, phương tiện vận chuyển, có măng mầm bệnh. Bệnh lây lan từ vùng này sang vùng khác, tỉnh này sang tỉnh khác, nước này sang nước khác theo đường vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ở dạng tươi sống (kể cả thịt ướp đông, da, xương, sừng, móng, sữa, lông,… ). Động vật mắc bệnh LMLM là các loài động vật có móng guốc chẵn như: trâu, bò, lợn, dê, cừu, hưu, nai,…
Bệnh LMLM có thể hạn chế được thiệt hại đáng kể bằng các biện pháp vệ sinh phòng dịch, kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, tiêm phòng vắcxin.
– Tăng cường công tác tuyên truyền để mọi người hiểu biết về nguyên nhân, triệu chứng, tác hại và cách phòng, chống bệnh bệnh LMLM.
– Thực hiện tiêm phòng vắcxin hai lần trong một năm, lần thứ nhất cách lần thứ hai 6 tháng, lần thứ nhất nên tiêm vào tháng 3 – 4 trong năm, lần thứ hai nên tiêm vào tháng 9 – 10 trong năm.
Thực hiện kế hoạch tiêm phòng trong 09 tháng đầu năm 2024 Trạm Chăn nuôi thú y và Thuỷ sản đã thực hiện tiêm phòng được 17.000 liều, đạt 63,55% so KH năm.
– Công tác tiêu độc khử trùng phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm
Để chủ động loại trừ mầm bệnh trong môi trường chăn nuôi, bảo vệ sức khoẻ đàn vật nuôi, giúp phòng ngừa được các dịch bệnh nguy hiểm như Cúm gia cầm, Dịch tả heo Châu phi, LMLM, VDNC,… góp phần khống chế mầm bệnh, không để phát tán ra diện rộng, nâng cao hiệu quả công tác chăn nuôi. Ngành chuyên môn huyện dự kiến thực hiện 04 đợt TĐKT/năm, đến nay đã thực hiện được 2 đợt kết quả thực hiện: thực hiện phun xịt 1.334 lít hóa chất với diện tích thực hiện được 1.334.000 m2. Tổng số hộ thực hiện: 3.839 hộ chăm nuôi gia súc, gia cầm tham gia hưởng ứng. Tông kinh phí đối ứng của huyện để thực hiện là 32 triệu đồng. Đang triển khai thực hiện đợt phun xịt tiêu độc khử trùng phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm đợt 3/2024 thời gian thực hiện từ ngày 12/9-26/9/2024.