UBND Huyện Vũng Liêm

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Vũng Liêm phát triển Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)

Nhân dịp xuân Ất Tỵ năm 2025, tôi xin chia sẻ cùng quý độc giả về Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (hay gọi tắt là OCOP), chương trình mà chúng ta thường thấy xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng hiện nay. OCOP là viết tắt của cụm từ tiếng Anh “One Commune One Product”, được thực hiện tại nhiều quốc gia trong khu vực như Hàn Quốc và Thái Lan. Việt Nam bắt đầu triển khai chương trình từ năm 2018 theo Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018-2020 nhằm phát triển ngành nghề và kinh tế nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững trên phạm vi cả nước. Huyện Vũng Liêm bắt đầu triển khai thực hiện chương trình vào năm 2021, và đã có một sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, đó là trà gạo thảo dược của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt, xã Trung Ngãi.

Trong quá trình xây dựng xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025, xã phải có ít nhất một sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên (theo chỉ tiêu 13.2 của tiêu chí 13 về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn). Do đó, ngành nông nghiệp và UBND các xã, thị trấn tích cực vận động các chủ thể sản xuất có sản phẩm tại địa phương bán ra thị trường đăng ký thực hiện hàng năm.

Quá trình thực hiện của các chủ thể đăng ký được ngành chuyên môn của huyện và tỉnh tích cực hỗ trợ, từ các khâu sản xuất đến việc đưa sản phẩm ra thị trường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Vào cuối năm, huyện thành lập Hội đồng đánh giá để công nhận các sản phẩm đạt chuẩn 3 sao, và sản phẩm đạt 4 sao sẽ được đề nghị tỉnh công nhận. Năm 2024, huyện Vũng Liêm có 8 sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, bao gồm: Bột rau má của Công ty TNHH Thảo Dược Hoàng Gia (xã Hiếu Nghĩa); Cốm Hoàng Trang (xã Hiếu Phụng); Cốm Ngọc Bích (xã Trung Hiếu); Mứt chuối Hoàng Sơn (xã Tân Quới Trung); Mứt dừa lá dứa (xã Tân An Luông); Bún gạo khô Cô Năm (xã Trung Nghĩa); Mứt Xoài Foodo (thị trấn Vũng Liêm); Bưởi da xanh của Hợp tác xã bưởi da xanh Vũng Liêm (xã Thanh Bình).

Kết quả đánh giá của Hội đồng cho thấy có 5 sản phẩm của 5 chủ thể đạt điểm từ 51 đến 67, đạt tiêu chuẩn 3 sao huyện ra Quyết định công nhận, và 3 sản phẩm của 3 chủ thể đạt điểm từ 70 đến dưới 90, đạt tiêu chuẩn 4 sao (đề nghị tỉnh ra Quyết định chứng nhận). Đến nay, toàn huyện Vũng Liêm đã có 17 sản phẩm OCOP được chứng nhận, trong đó có 5 sản phẩm đạt 4 sao.

12 sản phẩm đạt 3 sao bao gồm:

1-Bột rau má của Công ty TNHH Thảo Dược Hoàng Gia (xã Hiếu Nghĩa);

2-Cốm Hoàng Trang (xã Hiếu Phụng);

3-Cốm Ngọc Bích (xã Trung Hiếu);

4-Mứt chối Hoàng Sơn (xã Tân Quới Trung);

5-Bún gạo khô Cô Năm (xã Trung Nghĩa);

6-Lạp xưởng Hiệp Ký (xã Trung Thành);

7-Chả lụa Út Cường (xã Hiếu Nhơn);

8-Nước đóng chai (xã Trung Thành Tây);

9-Xoài cát núm (xã Quới An);

10-Xoài cát núm (xã Quới Thiện);

11-Cam sành (xã Hiếu Thành);

12-Trà gạo thảo dược của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt (xã Trung Ngãi).

5 sản phẩm đạt 4 sao bao gồm: Mứt dừa lá dứa (xã Tân An Luông); Mứt Xoài Foodo (thị trấn Vũng Liêm); Bưởi da xanh của Hợp tác xã bưởi da xanh Vũng Liêm (xã Thanh Bình); Chả lụa Thành Công (xã Hiếu Phụng); Gạo ST 25 của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt (xã Trung Ngãi).

Theo quy định hiện nay, các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP thuộc 6 nhóm: Thực phẩm; Đồ uống; Dược liệu và sản phẩm từ dược liệu; Hàng thủ công mỹ nghệ; Sinh vật cảnh; và Dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, và điểm du lịch. Bộ tiêu chí của sản phẩm bao gồm 3 phần, với tổng số điểm là 100, chia ra:

Phần A: Các tiêu chí đánh giá về sản phẩm và sức mạnh cộng đồng (40 điểm), gồm: Tổ chức sản xuất; phát triển sản phẩm; sức mạnh cộng đồng.

Phần B: Các tiêu chí đánh giá về khả năng tiếp thị (25 điểm), gồm: Tiếp thị; câu chuyện về sản phẩm.

Phần C: Các tiêu chí đánh giá về chất lượng sản phẩm (35 điểm), gồm: Chỉ tiêu cảm quan, dinh dưỡng, tính độc đáo của sản phẩm; tiêu chuẩn sản phẩm; khả năng xuất khẩu, phân phối tại thị trường quốc tế.

Lợi thế khi sản phẩm được chứng nhận OCOP là người tiêu dùng trong và ngoài nước sẽ tin tưởng sử dụng vì các chủ thể cam kết thực hiện đúng giấy phép đăng ký và được cơ quan chức năng kiểm soát chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong các khâu sản xuất. Điều này giúp giải quyết nguồn nguyên liệu tại địa phương, tiêu thụ hàng hóa nông sản và tạo việc làm cho lao động nông thôn.

Hướng tới, ngành nông nghiệp sẽ tham mưu cho UBND huyện, kết hợp với các ngành và UBND các xã, thị trấn tiếp tục vận động các chủ thể sản xuất và chế biến có điều kiện tham gia đăng ký thực hiện OCOP. Đồng thời, khai thác du lịch cộng đồng trãi nghiệm ở một số điểm sản xuất ra sản phẩm khu vực nông thôn. Năm 2025, từ nguồn vốn chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, huyện Vũng Liêm sẽ xây dựng 2 điểm bán hàng tại xã Tân An Luông và trước khu tưởng niệm Bác Kiệt để giới thiệu sản phẩm OCOP của địa phương đến người tiêu dùng trong và ngoài huyện, đặc biệt là khách tham quan. Phấn đấu đến cuối năm 2025, 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện có sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên, nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông sản hàng hóa, tăng thu nhập cho người dân, góp phần xây dựng huyện nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao trong tương lai.

 

 

Văn Nhu

Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Huyện Vũng Liêm

Chia sẻ ngay:

Mục lục

Phòng nông nghiệp và PTNT huyện Vũng Liêm

Đơn vị chủ quản : Phòng nông nghiệp và PTNT huyện Vũng Liêm

Hotline: 02703.970.609

Email: banbientap@vinhlong.gov.vn

Địa chỉ: Ấp Xuân Minh 1, Xã Trung Thành, Huyện Vũng Liêm, Tỉnh Vĩnh Long

TIN TỨC KHÁC